Gương điển hình “Cựu Chiến binh gương mẫu” làm kinh tế giỏi

 

Thời gian qua, phong trào Cựu chiến binh (CCB) gương mẫu làm kinh tế giỏi trên địa bàn huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn đã trở thành động lực quan trọng khơi dậy ý thức tự lực, tự cường vượt khó vươn lên. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều tấm gương CCB gương mẫu làm kinh tế giỏi. Ông Chu Viết Hoà thôn Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn là một trong những gương điển hình tiêu biểu.

 

Sinh năm 1958, nhập ngũ năm 1976, xuất ngũ năm 1982 trở về địa phương. Thôn Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá có 100% là dân tộc Dao sinh sống, thuộc vùng đặc biệt khó khăn, địa hình rừng núi hiểm trở, trình độ dân trí không đồng đều. Những năm đầu gia đình ông phát rẫy trồng ngô, sắn để sinh sống qua ngày đời sống rất khó khăn, ông luôn suy nghĩ tìm ra hướng đi khác cho gia đình. Sau nhiều tháng ngày trăn trở thấy đất đai bỏ hoang nhiều, xác định lấy đồi rừng làm hướng chính để phát triển, phát huy lợi thế đất đồi, ông quyết định trồng rừng với diện tích lớn, đồng thời đào ao thả cá, chăn nuôi gà, lợn. Năm 1997 nhận thấy Trà hoa vàng là cây thích hợp với địa hình, khí hậu nơi đây nên ông quyết định cùng gia đình trồng Trà hoa vàng. Đến năm 2000, trà cho thu hoạch bán hoa trà tươi. Từ đó, cuộc sống gia đình ông dần dần được ổn định, không còn khó khăn như trước nữa, ông bắt đầu vận động bà con nơi đây trồng Trà hoa vàng để nâng cao đời sống. Đến năm 2016, thôn Bản Bẳng được nhà nước đầu tư kéo mạng lưới điện quốc gia, khi có điện ông đã suy nghĩ làm thế nào để thay đổi cuộc sống nơi đây với tinh thần vừa học, vừa làm, ông nhận thấy hướng phát triển Trà hoa vàng là rất tốt, cho thu nhập cao. Vì vậy, ông có ý tưởng mở rộng diện tích và thay đổi cách làm. Ông quyết định vận động bà con trong thôn thành lập tổ trồng, chăm sóc cây trà hoa vàng để hỗ trợ cùng nhau phát triển, bước đầu đã thành lập được tổ gồm 4 thành viên với 4 gia đình tham gia. Năm 2018, tổ trà hoa vàng thu được 30 triệu đồng từ bán hoa tươi; nhưng sau đó hoạt động của tổ gặp nhiều khó khăn, hoa trà hái về bị tư thương ép giá. Đứng trước khó khăn, ông đã đi tìm hiểu nhiều nơi về thành lập HTX kiểu mới để quyết đưa Trà hoà vàng trở thành thương hiệu được nhiều người biết đến; năm 2019 tiếp tục vận động bà con vào Tổ được tổng số là 12 thành viên. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “mỗi xã phường một sản phẩm”, đây là cơ hội, là nguồn động viên cổ vũ tăng thêm động lực cho ông và các thành viên trong tổ, ông đã cùng các thành viên thống nhất thành lập Hợp tác xã và đặt tên là: Hợp tác xã Hòa Thịnh, giám đốc HTX là ông Chu Viết Hoà. Để đảm bảo sơ chế trà hoa vàng được tốt, HTX đã vận động các thành viên góp vốn mua được một máy sấy lạnh đa năng tổng trị giá là 60 triệu đồng. Từ đó thu nhập từ Trà hoa vàng của HTX năm sau cao hơn rất nhiều so với năm trước. Năm 2020, sản phẩm Trà Hoa vàng của HTX Hoà Thịnh là sản phẩm đầu tiên của tỉnh được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, đây cũng là một trong những sản phẩm của đề tài khoa học “Nghiên cứu đặc điểm sinh học và kỹ thuật gây, trồng cây Trà Hoa vàng tại tỉnh Bắc Kạn. Cũng trong năm 2020, HTX Hoà Thịnh được tham gia dự án liên kết chuỗi giá trị sản phẩm HTX được nhà nước hỗ trợ 300 triệu đồng để mua cây giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật, tư vấn thiết kế, in ấn và hoàn thiện bao bì, nhãn mác cho sản phẩm trà hoa vàng. Hiện nay, HTX đã xây dựng được nhà xưởng với diện tích 100m2, 01 phòng sử lý hoa tươi 05 m2, 01 phòng đóng gói sản phẩm 05 m2 và một gian kho bảo quản sản phẩm 12 m2. HTX Hoà Thịnh được như ngày hôm nay là công sức rất lớn của ông Chu Viết Hoà – một Cựu chiến binh dám nghĩ, dám làm, không cam chịu đói nghèo, vượt qua mọi khó khăn đã góp phần thay đổi diện mạo của đồng bào nơi đây.

 

Bên cạnh đó, thực hiện mô hình “dân vận khéo” ông đã tuyên truyền, vận động bà con nhân dân trồng cây dong để bán lá dong. Hiện nay đã có nhiều hộ dân làm theo và có vườn lá dong cho thu nhập thường xuyên giúp tăng nguồn thu nhập  cho các hộ gia đình. Riêng đối với gia đình ông có 10 ha rừng trồng cho thu nhập 120-150 triệu đồng/1 năm, thu nhập từ măng vầu nứa 50 triệu đồng/1năm, thu nhập từ lá dong trên 80 triệu đồng/1 năm với diện tích 1,5ha; thu nhập từ trà Hoa vàng 120 triệu đồng/1 năm trên diện tích 1ha; thu nhập từ chăn nuôi 20 triệu đồng/1 năm.

 

 

 

Giám đốc HTX Hoà Thịnh Chu Viết Hoà cùng thành viên HTX đóng gói sản phẩm

Trà Hoa vàng

 

Ở tuổi 66 nhưng ông Chu Viết Hoà vẫn rất năng động, nhiệt tỉnh và là một giám đốc HTX đầy nhiệt huyết. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn là hội viên CCB gương mẫu, là uỷ viên Ban chấp hành Hội CCB tỉnh nhiệm kỳ 2017- 2022; 2022- 2027, ông luôn vận động con cháu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các hoạt động của Hội; đi đầu trong phong trào của địa phương, giúp đỡ nhiều hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn; tạo điều kiện, giúp đỡ cho bà con lối xóm cùng tham gia phát triển mô hình hợp tác xã.

 

 

Các Thành viên HTX Hoà Thịnh chăm sóc cây Trà tại Thôn Bản Bẳng

xã Nghĩa Tá huyện Chợ Đồn

 

Với những đóng góp trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, ông Chu Viết Hoà đã được các cấp chính quyền địa phương và các cấp Hội CCB ghi nhận, đánh giá cao, trở thành tấm gương sáng để mọi người cùng học tập và làm theo.

 

 Xuân Quỳnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh

 

 

Bài trướcHọc và làm theo Bác, Bắc Kạn quyết tâm hoàn thành kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024
Bài tiếp theoThành phố Bắc Kạn tổ chức thành công lễ giao, nhận quân năm 2024