Việt Nam kiên quyết, kiên trì đường lối tự chủ chiến lược để phát triển

Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, phức tạp, khó lường, chứa đựng không ít nhân tố bất ổn, bất định hiện nay, việc tự chủ chiến lược đang nổi lên như một xu hướng trong chính sách đối ngoại của các nước dù lớn hay nhỏ. Tự chủ chiến lược đã trở thành định hướng chính sách của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc, ứng phó với các thách thức từ cạnh tranh nước lớn, khủng hoảng kinh tế, các vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống.

  Triển lãm thành tựu đối ngoại qua các thời kỳ. (Ảnh: Internet)

Tự chủ chiến lược phản ánh khả năng của một quốc gia trong việc theo đuổi, triển khai chính sách đối ngoại phục vụ lợi ích quốc gia và các ưu tiên đã xác định mà không bị ràng buộc, tác động bởi bất kỳ quốc gia nào khác. Song, tự chủ chiến lược không có nghĩa là tự cô lập, hay theo đuổi chính sách biệt lập. Trên thực tế, tự chủ chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn hiện nay phản ánh sự độc lập của một quốc gia trong việc lựa chọn các đối tác, tham gia những thỏa thuận hợp tác để bảo vệ và thực hiện các mục tiêu, lợi ích một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Muốn có khả năng tự chủ chiến lược, trước tiên cần hội tụ đủ ba yếu tố, đó là: Sự độc lập về ý chí chính trị; khả năng tự quyết định và hành động; sức mạnh tổng hợp quốc gia để triển khai các đường lối, chủ trương và nhiệm vụ chính trị của mình. Để bảo đảm tự chủ chiến lược trong bối cảnh mới, Việt Nam xác định sẽ tiếp tục và ưu tiên thực hiện tốt các nhóm giải pháp:

Một là, tiếp tục nghiên cứu bổ sung và phát triển lý luận về độc lập, tự chủ quốc gia trong điều kiện mới trên cơ sở: Nắm vững và thực hiện “ba điều giữ vững” (giữ vững môi trường hòa bình; giữ vững cục diện cách mạng đã thiết lập có lợi cho Việt Nam trước mọi thay đổi của bối cảnh khu vực và quốc tế; giữ vững ổn định chính trị – xã hội); “Bốn điều bảo vệ” (kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích chiến lược, không gian sinh tồn của đất nước; kiên quyết, kiên trì bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên quyết, kiên trì bảo vệ nhân dân; kiên quyết, kiên trì bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc);“Bốn điều tránh” (tránh để bị “kẹt” trong quan hệ quốc tế, nhất là quan hệ cạnh tranh, đối đầu giữa các nước lớn; tránh bị hiểu lầm đi với nước này chống nước kia; tránh trở thành địa bàn để các nước lớn biến thành nơi xung đột vũ trang, thử vũ khí, thực hiện “chiến tranh ủy nhiệm”; tránh để các nước thỏa hiệp “trên lưng”, lấy lợi ích quốc gia – dân tộc trao đổi, mua bán, thương lượng. Đồng thời thực hiện độc lập, tự chủ về chính trị theo phương châm “ba bảo đảm” (bảo đảm đường lối, chính sách, luật pháp độc lập, tự chủ, mà không tạo ra sự khác biệt, cân nhắc đầy đủ mức độ phù hợp thông lệ quốc tế; bảo đảm tính ổn định, đổi mới và phát triển hệ thống chính trị đất nước, triệt tiêu, ngăn chặn mọi nguy cơ “từ sớm, từ xa”, từ nguồn gốc, lấy phát triển tạo ra năng lực bảo vệ; không để cho nước ngoài lợi dụng những hạn chế, sơ hở bên trong để can thiệp vào công việc nội bộ hoặc kích hoạt xung đột để thôn tính chủ quyền biển, đảo; bảo đảm mức độ đan cài sâu sắc lợi ích giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, nhất là với các nước lớn để tạo thế ràng buộc, tùy thuộc lẫn nhau). Trong đó độc lập, tự chủ về kinh tế thông qua phát huy vai trò chủ đạo, nâng cao hiệu quả kinh tế nhà nước ở các lĩnh vực then chốt; duy trì được mức tăng trưởng kinh tế cao và khá cao liên tục trong thời gian dài; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; có năng lực điều chỉnh linh hoạt để tạo ra năng lực chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài, đón bắt được cơ hội, ngăn chặn các thách thức khi dịch chuyển chuỗi cung ứng và nguồn lực quốc tế.

Hai là, trong quan hệ đối ngoại của Đảng ta, tiếp tục kiên định đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa. Mặt khác, trước những thách thức đang nổi lên, nhất là cạnh tranh nước lớn gia tăng, việc cân nhắc tiếp thu, bổ sung phù hợp về tư duy tự chủ chiến lược có thể đưa vào nghị quyết, văn kiện của Đảng, nội dung trao đổi với các nước và phát biểu tại các diễn đàn là hết sức cần thiết.

Ba là, thực hiện nguyên tắc “bốn không, một tùy” phù hợp với bối cảnh thực tế, tăng tính tự chủ trong việc ra quyết sách trong quan hệ với các đối tác chủ chốt, trong xử lý những vấn đề nảy sinh do cạnh tranh nước lớn và những thách thức an ninh. Phân loại các nhóm đối tác theo mức độ lòng tin và đan xen lợi ích trong các lĩnh vực. Đối với các nước lớn, cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ theo hướng cân bằng, tham gia sáng kiến của các nước lớn kịp thời và có chọn lọc với phương châm “ba không”: Không cam kết quá sâu và nghiêng về bên nào, không cam kết cả gói, lựa chọn lĩnh vực tùy theo lợi ích và thời điểm, không theo nước này chống lại nước khác. Đối với các nước tầm trung, cần tăng cường kết nối đan xen lợi ích, thúc đẩy hợp tác thực chất, tích cực đối thoại, tham khảo kinh nghiệm thực hiện tự chủ chiến lược phù hợp, qua đó mở ra các cơ hội hợp tác và có dư địa lớn hơn trong ứng xử với các nước lớn.

Bốn là, vận dụng nhuần nhuyễn phương châm “ngũ tri”: biết mình, biết người, biết thời thế, biết tiến, biết lui. Nắm vững phương châm này giúp Việt Nam định vị được đất nước trong trạng thái phát triển mới; xác định tầm nhìn, con đường và cách thức phát triển phù hợp; hiểu rõ lợi ích của đất nước, của quốc gia và tiềm lực tổng hợp với những điểm mạnh, điểm yếu để dự liệu cho các quan hệ với đối tác; đánh giá đúng lợi ích, mục đích, khả năng, phương thức thực hiện lợi ích của đối tác; dự báo đúng tình hình quốc tế, khu vực để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, qua đó có những ứng phó linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trước những biến động của thời cuộc.

Năm là, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương theo hướng nhạy bén, chủ động và sáng tạo hơn. Sử dụng có hiệu quả các hình thức ngoại giao chuyên biệt để thực hiện tự chủ chiến lược. Chủ động đề xuất sáng kiến trong những vấn đề nổi bật của thế giới sau đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga – Ukraine, nhất là thúc đẩy chuỗi cung ứng bền vững, công nghệ, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng. Có thể cân nhắc việc khởi xướng, dẫn dắt một vài cơ chế hợp tác nhóm, tiểu đa phương hoặc đảm nhiệm trung gian, hòa giải trong những vấn đề gắn với lợi ích quốc gia – dân tộc và mối quan tâm chung của thế giới. Chủ động đóng góp vào việc củng cố vai trò của ASEAN, nâng cao năng lực tự chủ chiến lược của ASEAN trong ứng phó với cạnh tranh nước lớn và các thách thức đang nổi lên.

Đại An

Bài trướcBàn giải quyết vướng mắc trong thực hiện các công trình, dự án trọng điểm
Bài tiếp theoHuyện Bạch Thông: Thăm nắm việc thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy