Một số vấn đề tâm lý học trong công tác thẩm tra, xác minh

 

Tâm lý học nghiên cứu đời sống tinh thần của con người nên mọi lĩnh vực hoạt động có liên quan đến con người, cần tác động đến con người đều cần đến Tâm lý học. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng cần ứng dụng Tâm lý học để nâng cao hiệu quả tác động giữa người với người trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.

 

Đối tượng của công tác kiểm tra, giám sát là con người và vụ việc. Muốn xem xét, đánh giá con người cụ thể phải đánh giá đúng bản chất tâm lý của người đó. Muốn xem xét, đánh giá sự việc cũng phải xem xét con người với tư cách là chủ thể của sự việc. Như vậy, mọi đối tượng của công tác kiểm tra, giám sát đều quy tụ về con người nên cán bộ kiểm tra, giám sát cần có hiểu biết về tâm lý con người và ứng dụng những hiểu biết đó trong thực tiễn công tác kiểm tra, giám sát; Phương pháp tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng là phương pháp vận động, thuyết phục, cảm hoá con người nên cán bộ kiểm tra cần hiểu biết tâm lý con người để có biện pháp vận động, thuyết phục và cảm hoá con người có hiệu quả trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

 

 

Tổ công tác của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy làm việc tại Huyện ủy Chợ Đồn

 

Trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, quan hệ biện chứng giữa nhận thức, tình cảm và hành động của cá nhân tác động theo hai hướng:

 

Hướng thứ nhất: Nhận thức, tình cảm và hành động liên kết với nhau trong một chỉnh thể và quy định lẫn nhau. Ở cán bộ kiểm tra cũng như đối tượng kiểm tra, giám sát, ba mặt nhận thức, tình cảm và hành động quy định lẫn nhau; chỉ cần một trong ba yếu tố sai lệch sẽ kéo theo sự lệch lạc của các yếu tố khác và hậu quả là cả quá trình kiểm tra, giám sát và kết quả kiểm tra, giám sát đều mất tính khách quan.

 

Với cán bộ kiểm tra: Nhận thức về mục đích, phương châm, nguyên tắc và phương pháp kiểm tra, giám sát quy định thái độ và hành vi ứng xử trong quá trình xem xét, kết luận, xử lý vụ việc. Những sai lệch có thể xảy ra theo các khả năng: Nhận thức chưa đầy đủ về mục đích, phương châm, nguyên tắc và phương pháp kiểm tra, giám sát dẫn đến những sai sót khi tiến hành quy trình kiểm tra, giám sát; thái độ thiên vị hoặc khắt khe, cứng nhắc, e ngại, né tránh dẫn đến xử lý các tình huống thiếu sáng suốt, công minh; hành vi ứng xử không đúng đắn phản ánh sự khiếm khuyết về phẩm chất hoặc năng lực của cán bộ kiểm tra.

 

– Với đối tượng kiểm tra, giám sát: Nhận thức về lẽ phải, sự công bằng, trách nhiệm đảng viên quy định thái độ ứng xử và hành vi trong quá trình tiếp nhận và thực hiện các yêu cầu kiểm tra. Những sai lệch có thể xảy ra theo các khả năng: Nhận thức kém về lẽ phải, sự công bằng, trách nhiệm đảng viên dẫn đến thiếu tự giác và có những hành vi bất hợp tác với cán bộ kiểm tra; Thái độ quanh co, giả dối…Những hành vi ứng xử thể hiện tính tự giác kém hoặc sự thoái hoá phẩm chất của cán bộ, đảng viên.

 

Hướng thứ hai: nhận thức, tình cảm, hành động của cán bộ kiểm tra và đối tượng kiểm tra, giám sát quy định lẫn nhau và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả của quá trình xem xét, kết luận, xử lý vụ việc.

 

Trong giao tiếp xã hội, phản ứng tâm lý của người này trực tiếp quy định phản ứng của người kia. Nhận thức, tình cảm, hành vi của cán bộ kiểm tra và đối tượng kiểm tra, giám sát tác động lẫn nhau, quy định lẫn nhau và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả của quá trình xem xét, kết luận, xử lý vụ việc. Cụ thể:

 

Cán bộ kiểm tra có nhận thức, thái độ và hành vi đúng đắn sẽ tác động tích cực đến đối tượng kiểm tra, giám sát. Ngược lại, nếu cán bộ kiểm tra có nhận thức hoặc thái độ hoặc hành vi không đúng dắn sẽ gây phản ứng tiêu cực ở đối tượng kiểm tra, giám sát.

 

Đối tượng kiểm tra, giám sát có nhận thức và thái độ đúng đắn sẽ tiếp nhận các yêu cầu kiểm tra, giám sát theo hướng tích cực. Ngược lại, nếu đối tượng kiểm tra, giám sát có nhận thức sai sẽ dẫn đến thái độ thiếu tự giác hoặc không hợp tác với cán bộ kiểm tra ảnh hưởng xấu đến tiến trình và kết quả của cuộc kiểm tra, giám sát.

 

Từ thực tế đó và quá trình nghiên cứu việc ứng dụng tâm lý học trong công tác thẩm tra, xác minh cần nhận thức sâu sắc rằng muốn phát huy tính tích cực, tự giác của đối tượng kiểm tra, giám sát phải tìm các nguyên nhân cản trở tính tự giác của đối tượng kiểm tra, giám sát và tác động để loại bỏ các nguyên nhân đó.

 

Nguyên nhân cản trở tính tự giác của đối tượng kiểm tra, giám sát bao gồm: Đối tượng đã sa sút phẩm chất đảng viên hoặc thoái hoá, biến chất nên ý thức nói chung và trách nhiệm đảng viên cũng bị suy thoái dẫn đến kém tự giác; sợ bị phát hiện và xử lý sẽ mất thể diện, sẽ bị tập thể, xã hội và những người xung quanh đánh giá thấp, chê bai, lên án; để bảo vệ lợi ích đã đạt được từ hành vi vi phạm, đối tượng kiểm tra sẵn sàng che giấu, quanh co, thậm chí dùng thủ đoạn đối phó để che giấu hành vi vi phạm.

 

Từ những đặc điểm tâm lý của đối tượng kiểm tra, giám sát, muốn làm tốt nhiệm vụ cần thực hiện tốt các nội dung:

 

(1) Không quan trọng hoá vấn đề một cách không cần thiết để tránh tạo ra cảm xúc e sợ ở đối tượng kiểm tra, giám sát. Nếu sợ họ sẽ tự vệ bằng cách đối phó, ngay cả khi sai phạm nhỏ cũng không tự giác.

 

(2) Tìm ra sự thật bằng cách làm tốt phương pháp kiểm tra, trong đó nghệ thuật giao tiếp ứng xử là điều kiện để thực hiện các phương pháp kiểm tra thành công gồm: Dựa vào tổ chức đảng, phát huy tinh thần tự giác của tổ chức đảng, đảng viên; phát huy trách nhiệm xây dựng đảng của quần chúng nhân dân phương pháp phối hợp; thẩm tra, xác minh trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

 

(3) Đối tượng vi phạm sẽ dễ dàng tìm cách đối phó nếu cán bộ kiểm tra thiếu những hiểu biết về công việc cần kiểm tra, giám sát và thiếu sắc sảo trong cách nhìn nhận và đánh giá con người: Vì vậy đối với nội dung kiểm tra cần nghiên cứu kỹ lưỡng đối chiếu quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

 

Phan Thị Nương,  Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy

 

 

 

 

Bài trướcTổng kết chương trình phối hợp thực hiện Quyết định số 238-QĐ/TW của Ban Bí thư
Bài tiếp theoGặp mặt cán bộ cao cấp quân đội đã nghỉ hưu, nghỉ công tác trên địa bàn